Có rất nhiều loài cà phê trên thế giới, tuy nhiên chỉ có cà phê chè – Arabica và cà phê vối – Robusta là các loài cà phê có giá trị kinh tế cao. Loài cà phê mít – excelsa kém giá trị kinh tế hơn. Các loài cà phê khác chủ yếu khai thác mặt di truyền để lai chọn tạo giống có ý nghĩa.
1. Cà phê chè – Coffea Arabica
- Nguồn gốc: từ cao nguyên Jimma của Ethiopia, có độ cao 1.500-2.000m so với mực nước biển.
- Đây là loài có hiệu quả và được ưa chuộng nhất trên thế giới, vì đặc tính hương vị thơm dịu của nó.
- Đặc điểm thực vật: Có tán lá xanh quanh năm, cây cao từ 6-10m, một thân chính và nhiều thân phụ, cành thứ cấp và sơ cấp đều có thể mang hoa trên đốt đã mang quả.
- Giao phấn: khả năng tự thụ 90%. Tuy nhiên, sự lai tạo tự nhiên, hay nhân tạo, hoặc đột biến cho nhiều chủng loại khác nhau.
- Tỷ lệ trái 1 nhân (Caracoli/Coli: hạt tròn, bi) chiếm 8-15%.
- Hàm lượng caffein trong hạt thấp: 0,8-1,9%.
Các chủng cà phê Arabica quan trọng như sau:
a. Typica (C. arabica var. typica L.)
- nguồn gốc: từ vườn bách thảo Amsterdam, được nhập từ Châu Phi. Người Pháp đã mang chủng này qua Caribbean, được trồng phổ biến ở Nam Mỹ (Brazil), Trung Mỹ và Đông Phi với tên gọi là Nyasa.
- Typica có đặc điểm: chóp lá non có màu đồng (bronze-tip) do gien trội BrBr quy định.
- Năng suất: 0,3 kg nhân/cây, hay 1 tấn nhân/ha.
b. Bourbon (C. arabica var. bourbon (B. Rodr.) Chossy)
- là chủng biến dị của Typica và được trồng ở đảo Réunion hay Buorbon bởi người Pháp.
- Cây thấp, lóng ngắn, đọt non xanh nhạt do gien lặn brbr quy định.
- năng suất cao hơn Typica, chất lượng thom ngon đặc biệt, nhưng hạt nhỏ hơn Typica.
- Bourbon được trồng nhiều ở Châu Mỹ và Đông Phi.
- Một dòng lai khác là Bourbon amarello năng suất cao hơn và trồng nhiều ở Brazil.
- năng suất cá thể 0,78kg nhân/cây và năng suất trung bình 1,75 tấn nhân/ha.
c. Mokka (C. arabica var. mokka Cramer)
- cũng là chủng biến dị từ Typica.
- cây có hình thái thấp nhỏ, phân cành nhiều, nhưng năng suất kém.
- hạt có kích thước nhỏ, nhưng chất lượng rất ngon.
- Mokka được trồng ít ở Ả Rập và Ấn Độ
d. Caturra (C. arabica var. caturra K.M.C)
- là biến dị của chủng Bourbon, được phát hiện ở Brazill.
- cây thấp, lóng ngắn, lá nhiều và dày, năng suất cao
- trái chín màu vàng
- có khả năng thích ứng rộng và thích hợp mật độ trồng dày
- hạt nhỏ và phẩm chất trung bình
e. Mundo Novo (C. arabica var. Mundo Novo)
- là chủng lai tự nhiên giữa Bourbon và Arabica ở Sumatra du nhập vào Brazil do viện NN Campinas tuyển chọn.
- cây cao, khỏe mạnh và lóng dài.
- năng suất trái cao, nhưng hạt lép có tỷ lệ cao và vỏ trái dày.
f. Catuai (C. arabica var. catuai)
- là chủng lai giữa Caturra amarello và Mundo Novo.
- cây thấp, lóng ngắn và trái chín màu vàng
- cây sinh trưởng mạnh, chịu hạn tốt, tán nhỏ nên được trồng với mật độ dày
- năng suất cao, 3-5 tấn nhân/ha.
g. Blue Mountain (C. arabica var. Blue Mountain)
- chủng biến dị của Typica ở Jamaica
- kháng bệnh khô trái, thích hợp với trồng dày.
- được trồng ở Kenya, Đông Phi.
2. Cà phê vối – Coffea canephora Piere
- Tên thương mại được gọi là Robusta. Tên này, phổ biến của chủng Coffea canephora var. Robusta.
- thích hợp với khí hậu nóng ẩm và vùng có cao độ thấp như vùng xích đạo.
- cây cao từ 8-12m, khả năng mọc được nhiều thân, khả năng phát sinh cành thứ cấp thấp.
- hoa cà phê robusta thuộc loại lưỡng tính nên giao phấn hoàn toàn
- trái 3 nhân chiếm tỷ lệ 0,1-1% và tỷ lệ hạt coli từ 8-15%.
- hàm lượng caffein từ 2,5-3% chất khô, năng suất cao.
Do thụ phấn tự do nên cà phê vối rất đa dạng sinh học trong canh tác.
a. Robusta (C. canephora var. robusta Pierre)

- được trồng nhiều nhất trên thế giới, chiếm 95% trong loài canephora
- cây sinh trưởng và phát triển tốt nên được trồng phổ biến trên thế giới.
- là loại được trồng phổ biến ở Việt Nam, cho năng suất và chất lượng cao nhất so với các vùng khác trên thế giới.
b. Kouilouensis (C. canephora var. kouilouensis)
- được tìm thấy ở Châu Phi nhiệt đới vào thập niên 1880.
- được trồng phổ biến ở Ấn Độ, Công và Ivory Coast, một phần Tây Phi và Madagascar
- ở Brazil với tên gọi là: Conillon
- lá nhỏ và hẹp hơn robusta, phiến lá xoăn hơn bìa lá. Trái và hạt nhỏ hơn Robusta nên năng suất thấp hơn.
- có khả năng kháng hạn nhưng rất dễ bị nhiễm bệnh vàng lá.
c. Niaouli (C. canephora var. Niaouli)
- nguồn gốc từ Dahomey.
- ít được trồng vì năng suất kém, trái phát triển chậm và dễ bị mọt đục trái
một số chủng khác của C. canephora như:
- var. nana ở Cộng Hòa Trung Phi, có khả năng kháng hạn
- var. unganda phát hiện ở Uganda, rất giống chủng Kouilouensis, nhưng cây phát triển ở dạng bụi thấp.
3. Các dòng lai giữa C. arabica và C. canephora
- Arabica: chất lượng cao, thích hợp với vùng cao độ hơn 1000m, nhiệt độ 15-25 độ C, mẫn cảm với bệnh rỉ sắt
- Robusta: chất lượng kém hơn, nhưng đậm đà, thichs hợp với vùng thấp, chịu nhiệt độ tốt từ 22-26 độ C. Robusta không kén đất, năng suất cao và ổn định.
- vì vậy, có những dòng lai giữa 2 loài có sự kết hợp hài hòa và chọn lọc đặc điểm tốt của 2 loài như sau:
a. Hibrid de Timor
- là dòng lai tự nhiên giữa C. arabica và C. canephora, được trồng phổ biến trên đảo Timor, Indonesia.
- đặc điểm kháng bệnh rỉ sắt và bệnh khô cành khô quả.
b. Catimor
- dòng lai giữa Caturra và Hibrid de Timor. Kết quả nghiên cứu của Cenicafe – Colombia và Viện nghiên cứu cà phê Bồ Đào Nha trong chọn giống kháng bệnh rỉ sắt.
- sinh trưởng khỏe mạnh, hầu hết kháng bệnh rỉ sắt và có năng suất cao
c. Arabusta (Coffea arabusta)
- dòng lai tứ bội của Robusta và Arabica do Viện cà phê và ca cao pháp (1962).
- kháng bệnh rỉ sắt, năng suất cao hơn Robusta tới 80%, nhưng chất lượng thức uống cao như Arabica của Brazil.
- lá to hơn lá Robusta, cây phát triển về hình thái như Robusta, ít phân cành thứ cấp.
- cây sinh trưởng rất khỏe, chịu hạn và thích nghi với vùng thấp, kém phì nhiêu.
- Vì là lai khác loài, nên tỷ lệ thụ phấn kém, khoảng 70% nên trái 1 nhận rất cao, tới 40%.
d. Sarchimor
- là dòng lai mới giữa Arabica và Robusta
- đặc điểm giống Catimor, có khả năng kháng tuyến trùng Meloidogyne incognita nòi 1, 2 và 3.
4. Coffea excelsa Chev
- phát hiện ra ở cao nguyên Chari
- thích nghi ở vùng nhiệt đới có mùa khô kéo dài khoảng 5-6 tháng.
- trồng nhiều ở Cộng hòa Trung Phi, Indonesia và Việt Nam.
- cây cao trên 15m, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh
- hàm lượng cafein trong nhân từ 1,02-1,90% chất khô
- phẩm chất kém do có hương vị chua nhiều.
5. Coffera liberica Bullin Hiern
- phá hiện ra ở vùng Liberria thuộc Tây Phi
- cây cao từ 15-18m, sinh trưởng khỏe mạnh
- trái rất to và hạt cũng rát to
- chất lượng nước uống kém.
Như vậy, chỉ có 3 loài cà phê chính cho hiệu quả kinh tế. Còn lại các loài cà phê khác có ý nghĩa về mặt di truyền và chọn tạo giống.
Jackie Nguyễn
Tài liệu tham khảo
- Kỹ thuật trồng và thu hoạch cà phê xuất khẩu, NXB Giáo Dục – 1999
- Cây cà phê ở Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2000